Có khá nhiều cách để đo tầm xa của cú vụt khi cần thủ câu xa bờ.
Đơn giản nhất có lẽ là dùng thiết bị chuyên dụng để đo nhưng kể cả phương pháp này cũng không chính xác khi có gió mạnh bởi khi ấy khi cước chạy ra khỏi khoen cần gặp gió sẽ tạo ra một vòng cung khá lớn và hậu quả là một vài mét sẽ dài hơn thực tế. Chiều dài được đo là khoảng cách giữa mồi(hay chì) với điểm ta đánh dấu trên cước khi vụt xong bằng chỉ hay một loại băng dính.
Chúng ta cũng có thể mang cần ra một nơi rộng và trống, ví dụ như sân bóng đá. Ở đây ta có thể đánh dấu 2 điểm trên mặt đất sau khi vụt rồi đo bằng thước dây. Phương pháp này khá chính xác nếu chúng ta xác định được điểm rơi, vì vậy khi ấy tốt nhất là có một người trợ giúp cho mục đích này. Tuy nhiên không phải ai lúc nào cũng có điều kiện để thử.
Cách đo khá đơn giản nữa là khi ném xong, đánh dấu cước, quấn vào rồi đo chính đoạn cước được đánh dấu đó. Phương pháp này cũng đòi hỏi phải có một khoảng trống thích hợp (nếu không thì phải cẩn thận kẻo bị rối cước)để ta tháo cước ra rồi đo.
Có một cách đo khác nữa mà ta chỉ cân biết tỉ số truyền động của máy, chu vi ống dây ( phần dây được quấn vào) trước và sau khi ném mồi rồi tính toán một chút. Ai cũng biết rằng tỉ số truyền động cho ta biết số vòng quay của ổ dây khi ta quấn 1 vòng ( ví dụ: 4:1 thì có nghĩa là 1 vòng quay của tay quấn thì ổ cước quay được 4 vòng. Nếu ta đã có chu vi ổ dây thì ta có thể tính được 1 vòng quấn bằng tay quay, số vòng quấn của 1 cú ném cuối cùng là khoảng cách của cú vụt đó sẽ được tính dễ dàng.
Để khi đo không xảy ra những sai sót không cần thiết, chúng ta nên để ý tới một vài chi tiết nhỏ những cũng không kém phần quan trọng :
- Khi đo chu vi ( nhất là ở những máy có rãnh chứa cước hẹp, sâu) thì đo chu vi của ổ cước trước và sau khi ném, cộng 2 giá trị đó với nhau rồi chia 2 để ta có giá trị trung bình.
- Những máy có ổ cước thân hình trụ thì nên đo ở đoạn giữa ( xem hình dưới)
- Để đo chu vi ta có thể dùng một đoạn cước hay dây khác
- Nhằm mục đích dễ đếm vòng và tránh nhầm lẫn, khi quay ta có thể để máy sát người để cho tay quay chạm nhẹ vào người .
Sau đó chỉ cần tính toán (trên giấy, trên máy tính hay trên điện thoại…) là ta sẽ có kết quả. Sau đây là 1 ví dụ :
Chúng ta có 1 máy câu với tỉ số truyền là 4:1, chúng ta đo được chu vi ổ cước trước khi ném là 15,2cm. Sau khi ném xong, tiếp tục đo lại ổ cước ta có 13,4cm. Vậy chu vi trung bình là 14,3cm. Khi thu dây ta đếm được 155 vòng.
Tỉ số truyền động :……….....4:1
Chu vi ổ trước khi ném :…...15,2 cm.
Chu vi ổ cước sau khi ném : 13,4 cm.
Chu vi ổ cước trung bình :(15,2+13,4):2=14,3 cm = 0,143m
Số vòng quấn dây :………....155 vòng
Cách tính : 4 x 0,143 x 155 = 88,66m
Như vậy chiều dài ta ném được khoảng 89m.
Rõ ràng là phương pháp này không thể chính xác như khi ta được đo trực tiếp( nhất là đối với những loại máy có ổ dây thân hình trụ, hay kiểu xếp dây đan chéo) nhưng so với sự ước đoán thì đáng tin hơn nhiều và chúng ta có thể đứng tại chỗ mà có được số liệu mà không cần có thêm trang thiết bị gì.